Trang chủ

CẤP HÀNH CHÁNH ĐỊA PHƯƠNG CỦA BÌNH ĐỊNH XƯA

CẤP HÀNH CHÁNH ĐỊA PHƯƠNG CỦA BÌNH ĐỊNH XƯA
Về cấp hành chánh địa phương ở Bình Định, sau khi chiếm lấy thành Đồ Bàn của người Chiêm, triều Lê lập các Đạo Thừa tuyên trên cơ sở các Lộ thời Trần, thời Hồ. Bình Định thời bấy giờ là phủ Hoài Nhơn thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam. Lúc Nguyễn Hoàng vào Nam đã cải gọi Thừa tuyên thành Dinh (Doanh), thường mỗi Dinh coi sóc một phủ, nhưng Dinh Quảng Nam kế thừa nếp cũ quản lĩnh tới 3 phủ là Thăng Hoa (Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Quy Nhơn (Bình Định bây giờ).
Tương đương cấp Dinh có cấp Trấn. Trấn còn dùng để chỉ cho những địa phận miền biên viễn, là đơn vị quản hạt vùng mới thiết lập. Như vào năm 1698, khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập Dinh, lập Phủ, ở đây có 2 Dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định), đến năm 1714, Mạc Cửu đem đất Hà Tiên xin nội phụ, Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, và đất nầy thành Trấn Hà Tiên của vùng phía Nam Đại Việt. Hoặc như sau nầy vào tháng Chín năm 1799, khi chiếm được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh đặt Dinh Bình Định thống quản phủ Quy Nhơn (tức phủ Hoài Nhơn thời Lê), nhưng sang đến 1808 lại đổi gọi Dinh nầy là Trấn Bình Định.
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở Đàng Trong dưới Dinh có Phủ, dưới Phủ có nhiều Huyện, dưới Huyện có nhiều Tổng và Thuộc, dưới Thuộc và Tổng có Xã, Thôn, Phường, Ấp, Giáp, Sách, Nậu, Man, Trang…
Tổng là vùng cư dân lập ấp đã lâu đời, Thuộc là vùng mới khai phá, vỡ hoang dọc biển, ven rừng núi. Thường thì Phường ở trong Xã, Ấp ở trong Thôn, Trang là xã người Minh Hương tức cấp hành chánh quản lý người Hoa ở Việt Nam, chỉ quản lý dân không quản lý theo đất, vì bấy giờ người Hoa không được quyền đứng tên sở hữu ruộng đất ở Việt Nam. Cấp hành chánh quản lý người Hoa là Trang (tương đương Xã của người Việt), Thuộc (tương đương Tổng, Thuộc của người Việt) và Bang (tương đương Huyện của người Việt). Người Hoa do Vĩnh An trang tọa lạc ở Nước Mặn, Tuy Phước quản lý, nhưng có thể sống tại An Thái, là địa phương có An Hòa trang tọa lạc đang quản lý các họ người Hoa sinh sống nơi đây, hoặc trên Vĩnh Thạnh, hoặc tại ngay dưới Tuy Phước.
Ở Quảng Nam xưa có nhiều Thuộc chỉ gồm các Phường, có nhiều Tổng bao gồm cả Xã, Giáp, Phường, Man…
Ở Bình Định, khi Gia Long lập Địa bạ 1815, nơi đây những đơn vị hành chánh cấp thấp như Sách, Giáp, Nậu, Man không thấy nữa. Riêng Ấp vẫn còn phân biệt Ấp chánh hộ và Ấp khách hộ, là để phân biệt mức thuế điền thổ cũng như sai dư (thuế thân) có từ thời các Chúa. Dân địa phương lâu đời đã ổn định (chánh hộ) phải nộp cao hơn so với địa phương mới (khách hộ), nơi mà người khai phá còn phải luôn xê dịch hết vùng nầy đến vùng nọ.
Theo như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776, ở xứ Đàng Trong lệ thuế nộp tiền tiết liệu (nộp dịp Tết) thì hạng Tráng của Chánh hộ phải nộp giá trị 5 thưng gạo, hạng Quân 4 thưng, trong khi đó hạng Tráng của Khách hộ chỉ nộp giá trị 4 thưng, hạng Quân 3 thưng. Có sự chênh lệch trong đóng góp, nên do đây mà làng xã ngày xưa có tệ hay so bì, phân biệt đối xử với hạng khách hộ, dân ngụ cư.
Khi đến triều Minh Mệnh đã cho cải Ấp thành Thôn hết thảy, Địa bạ 1839 không còn thấy thể hiện trạng thái chánh hộ hay là khách hộ nữa.
...
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ
(Bản đồ Tp Qui Nhơn năm 1930)

NÚI KỲ SƠN Ở TUY PHƯỚC

NÚI KỲ SƠN Ở TUY PHƯỚC
Ở huyện Tuy Phước ngày nay có cụm núi, vây quanh nó là các xã Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Thuận và TT Tuy Phước. Cư dân xưa gọi tên cho núi nằm trên đất thuộc làng mình, nên theo đó mà phía Bắc có hòn Phụng Sơn ngó xuống làng Phụng Sơn phía hướng Đông. Bên cạnh đó là hòn Xuân Sơn ngó lên làng Xuân Mỹ chếch hướng Tây, làng Mỹ Trung phía hướng Bắc. Phía Nam là làng Huỳnh Mai có hòn Mai Sơn và hòn Hàm Long của làng Phong Thạnh (Phong Đăng). Khúc giữa có làng Kỳ Sơn nên ở đây gọi núi là Kỳ Sơn, sách xưa Nhất Thống Chí thời Tự Đức có lẽ đã dựa vào đây mà chép tên nầy gọi chung cho cả cụm núi.
Núi Kỳ Sơn theo như Đại Nam Nhất Thống Chí diễn tả thì nơi phía Bắc đoạn “Đèo Cao”, có khối đá dáng hình chim Phượng nên tục gọi chỗ nầy là núi Phượng. Như vậy ở đây hẳn tên núi phải có trước tên làng.

+ Làng Phụng Sơn của xã Phước Sơn, đến bây giờ cũng không tường tận xưa trước nó tên gọi là gì, chỉ rõ là vào thời Gia Long nó đã có tên Phụng Sơn Công Bình khách hộ Ấp, thuộc thôn Phụng Sơn của Thuộc Thời Tú.
+ Còn làng Kỳ Sơn bên cạnh thuở bấy giờ mang tên Mỹ Thuận khách hộ Ấp, thuộc thôn Thanh Sơn.
+ Làng Huỳnh Mai thời Gia Long là Huỳnh Mai khách hộ Ấp thuộc thôn Long An,
+ Làng Phong Thạnh bấy giờ là Phong Đăng khách hộ Ấp thuộc thôn An Sơn,
+ Xuân Mỹ là Xuân Mỹ Thượng khách hộ Ấp thuộc thôn Long Triều,
+ Mỹ Cang là Xuân Mỹ Trung khách hộ Ấp thuộc thôn Mỹ Cang,
+ Mỹ Trung là Xuân Mỹ Hạ khách hộ Ấp thuộc thôn Mỹ Trung.
Ở phía Nam của cụm núi là Hòn Hàm Long (núi Úc), tương truyền có tảng đá rất lớn trông giống miệng rồng, có hàm trên hàm dưới, có phiến đá nhỏ đưa ra chính giữa giống như chiếc lưỡi. Thời các chúa Nguyễn, trên lưng chừng núi lại có ngôi đền cổ tên là Hàm Long, nên núi mang tên giống như trường hợp của núi Phụng. Nhất Thống Chí còn cho biết thuở xưa ở chân núi Phụng, cách chừng 30 bước có một cái hố, hình thế bằng phẳng, rộng ước vài ba mẫu. Bên hố mọc ra một khối đá lớn giống hình con Rùa, nên người đời gọi đây là hồ Rùa.
Như vậy các địa danh xưa của vùng núi Kỳ Sơn gồm đủ cả tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, dưới mắt giới thơ văn lại có thêm hình ảnh núi Xuân, rừng Mai.
Non nước hữu tình có lẽ cũng hun đúc khí linh làm con người nơi đây thấm tình sông núi. Làng Phụng Sơn, Kỳ Sơn xưa có những người chỉ học vị Tú Tài, như Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương, như ông Tú Nguyễn Diêu làng Nhơn Ân cũng về mở trường dạy học nơi đây. Xưa những ông Tú tài nầy đã làm rạng rỡ xóm làng, đâu thua gì những bậc đại khoa làm đất nước nở mày nở mặt với lân bang. Tú tài nhưng học rộng đức cao, được dân làng lập Nghĩa tự để thờ phụng, còn hơn áo mão cân đai màu mè Tiến sĩ giấy.
---------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

CHỢ GIÃ CỦA BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY Ở ĐÂU

CHỢ GIÃ CỦA BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY Ở ĐÂU
Nếu nói về Cửa Giã thì người Bình Định xưa có câu:
“Ai về cửa Giã chiều hôm
Măng le gởi xuống cá chuồn gởi lên”.

Nghe tên cửa Giã, nhưng nhiều người Bình Định hiện nay chắc gì biết được nó ở chỗ nào. Có thể suy ra được nó là một cửa biển nhờ vào món “cá Chuồn”, nhờ vào lưới cào, xưa đánh bắt bằng phương tiện nầy gọi là “kéo Giã”. Bình Định cũng có lắm cửa biển thì cửa Giã là cửa biển nào. Nếu dựa vào “Măng le” là một sản phẩm đặc thù của vùng Tây nguyên, thì Măng le gởi xuống cho cửa Giã, hiểu được chỉ có thể đó là cửa biển Quy Nhơn.
Với cửa Giã phải khổ công là vậy huống hồ là chợ. Chợ thì có mặt ở khắp nơi vùng hạ bạn. Đây đúng là điều khốn khó cho những nhà chép sử ngày xưa, và ngay cho cả những nhà biên dịch ngày nay.
Mấy nhà chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về một trận đánh giữa quân Gia Định của Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn vào tháng Tư năm Kỷ Mùi 1799:
+ Võ Tánh và Nguyễn Hoàng Đức đánh giặc ở Thị Dã. Thiếu úy giặc là Trương Tiến Thúy thua chạy. Bắt được 13 thớt voi. Quân giặc chết và bị thương rất nhiều. Đuổi đến cầu Tân An, chém được Đô đốc giặc là Nguyễn Thực. Vệ úy vệ Ban trực hữu quân Thần sách là Tôn Thất Nông chết trận.
Theo cách chép sử thì hiểu được trong trận nầy quân Nam đuổi đến cầu Tân An thì bên Tây Sơn bị mất một Đô đốc, bên nhà Nguyễn Gia Miêu cũng chết tại trận một Vệ úy của phiên hiệu quân Thần Sách. Có thể đoán định theo vị trí quanh cầu Tân An thì Thị Dã là Chợ Giã. Khốn nỗi những nhà biên dịch chua thêm, gọi nơi đây là Đồng Thị, Vì Dã [埜 hoặc 野] mang nghĩa là đồng nội.
Người Bình Định hiện nay đố ai rõ được Đồng Thị là nơi nào. Cái chết người ở đây là ngữ âm giữa GI và D của người Bình Định thông thường đều phát âm theo GI. Những nhà biên dịch người Bắc theo cách hiểu của mình đã chuyển ngữ Thị Dã của người chép sử ra làm Đồng Thị. Người chép sử đã không dùng chữ Nôm, còn người dịch cứ vậy mà làm, càng gây rối thêm cho người đọc sử.
Theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Lê Quang Định khởi biên từ năm 1802, đã được nhà biên dịch Phan Đăng chép rõ ra tên “Chợ Giã”. Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định mô tả đường đến Chợ Giã trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí:
+ 444 tầm (tính từ Chợ Cẩm Thượng) … là đến Chợ Thượng Lộc (tục gọi Chợ Giã), hai bên chợ có quán xá rất đông đúc, khách đi đường có thể nghỉ lại đây. Ngày trước quân ta đại phá thủy quân Tư đồ Vũ Văn Dũng của Tây Sơn tại nơi này.
Như vậy với cứ liệu của Lê Quang Định, kết hợp thông tin mà Thực Lục đã chép thì trước trận hải chiến Thị Nại (1801), vào năm 1799 quân Nam đã đổ bộ lên được Chợ Giã, và từ đây Võ Tánh cùng Nguyễn Huỳnh Đức rượt đuổi quân Trương Tiến Thúy đến tận cầu Tân An, chỗ giáp ranh Phường Bình Định với thôn Huỳnh Kim trên QL 1 bây giờ. Chợ Giã là chợ của ấp Thượng Lộc Tứ Chánh, cách chợ Cẩm Thượng 444 tầm, tức khoảng 940m.
Đến triều vua Minh Mệnh, năm 1839 đã cải Cẩm Thượng Tứ Chánh ấp thành thôn Cẩm Thượng, cải Thượng Lộc Tứ Chánh ấp thành thôn Chánh Lộc, sau gọi là Chánh Thành. Dấu xưa chỉ còn biết đình Cẩm Thượng hiện ở phường Trần Hưng Đạo.
Chắc là Chợ Giã hồi ấy nằm đâu đó vùng Khu 2 của Quy Nhơn. Không chừng cũng có thể là Chợ Lớn Quy Nhơn, hoặc Chợ Chiều chỗ đường Nguyễn Huệ bây giờ, nơi nằm bên cửa Giã có cá Chuồn để trao đổi Măng Le của người miền ngược.
Người Bình Định hôm nay phần nhiều đã quên lãng dấu tích xưa, chỉ vì người ngày nay đâu còn lưu tâm những gì của ngày xa xưa cũ nữa.
----------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ
(Ảnh của cơ quan truyền thông Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia)

ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH TẾT GIỮA NĂM CỦA NGƯỜI VIỆT

ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH
TẾT GIỮA NĂM CỦA NGƯỜI VIỆT
Đoan Ngọ năm ngoái đã post bài trên face
Nay lược sơ, tóm tắt gọn lại.
(Phần minh chứng phải dẫn dài dòng. Có thể đọc toàn bài theo link ở comment thứ 1)
VÌ SAO GỌI THÁNG 5 ÂM LỊCH LÀ GIỮA NĂM
Cấu trúc lịch cổ theo tuần trăng hầu hết cả Á lẫn Âu, cũng như của người Việt đều chỉ có 10 tháng. Cải tiến lịch theo chuyển vận mặt trời cho phù hợp chu kỳ khí hậu, người Việt xưa áp dụng yếu tố Tiết Khí, mới biến lịch thành 12 tháng. Hai tháng thêm vào là Chạp và Giêng. Người Việt có câu nói về tuần tự của tháng là Một, Chạp, Giêng, Hai. Tháng Một ngày xưa bây giờ gọi là tháng 11, hay tháng Tý, lấy Chi đầu tiên trong thập nhị Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo… để đặt tên cho tháng Một.
Ăn Tết Nguyên Đán tháng Giêng (tức tháng Dần) là theo Lịch Kiến Dần, Ăn Tết tháng Một là theo Lịch Kiến Tý. Không loại trừ người Việt cổ đã ăn Tết Nguyên Đán tháng Một. Vào triều Nguyễn vẫn còn có người Xứ Đoài, tỉnh Sơn Tây lấy tháng 11 âm lịch làm đầu năm mới. Đại Nam Nhất Thống Chí chép:
+ Thổ dân ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương, hằng năm lấy tháng 11 làm đầu năm, hàng tháng lấy ngày mồng 2 làm đầu tháng và lấy ngày mồng 1 làm cuối tháng, gọi là tháng lùi ngày tiến, lại gọi là ngày nội, dùng trong dân gian, còn ngày quan lịch thì gọi là ngày ngoại, chỉ dùng khi có việc quan
VÌ SAO LẠI ĂN TẾT GIỮA NĂM
Là dân nông nghiệp lúa nước, người Việt có câu ca dao:
Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng…
Tháng Tư làm mạ để chuẩn bị cho vụ Mùa, trong khi bước qua tháng Năm lại là tháng thu hoạch vụ Chiêm:
Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy

Trồng trỉa của người Việt, sau cây mưa sung vũ thường có vào tiết Tiểu Mãn hằng năm (21 tháng 5 dương lịch), là tới tiết Mang Chủng (ngày 5 hoặc 6 tháng 6 dương lịch) tức thời điểm phải tra giống, hoặc cấy hoặc gieo. Khoảng thời gian nầy, xét vào lịch đã cải tiến theo Tiết khí, biên độ xê dịch của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch bao giờ cũng xoay quanh, hoặc trước hoặc sau tiết Mang Chủng. Như vậy ăn mừng vào giữa năm, xem như là lễ Tết, là mừng đã thu hoạch xong vụ Chiêm, mừng đã xuống được giống vụ Mùa.
NGƯỜI VIỆT XƯA ĂN TẾT GIỮA NĂM RA SAO
● Lao động nông vụ ngày xưa phải cần người. Ăn Tết Giữa năm ngày xưa là ngày đoàn tụ của anh em, con cháu trong nhà. Nếp xưa để lại, nên Cao Bá Quát làm quan ở xa không về được với gia đình trong ngày Đoan Ngọ, vào tiết Đoan Dương, ông đã thốt:
Mạc mạc gia hương lưỡng thân cách,
Thê thê ky hoạn nhất huynh dao…
(Đoan Dương – Cao Bá Quát)
Tạm hiểu:
Mờ mịt quê nhà xa phụ mẫu
Lăng xăng đất khách cách bào huynh…

● Trong ngày Tết Đoan ngọ xưa, vì vừa thu hoạch mùa màng nên chú Rể người Việt có tục mừng Cơm Mới cho gia đình vợ sắp cưới. Học trò còn có tục Sêu Tết cho Thầy dạy, vì lương phạn của những Thầy Đồ xưa chỉ nhờ vào thu hoạch suất ruộng công điền cấp cho mà tự canh tác.
● Tết Đoan ngọ người Việt thường dùng rượu nhẹ như rượu nếp, hoặc rượu ngâm thảo dược như thạch xương bồ, uống để điều hòa khí huyết trước thời tiết vừa mưa to vừa nắng gắt của tháng 5. Y kinh (sách thuốc) mô tả Thạch xương bồ là “loại cỏ trên đá, một tấc 9 cành, làm thuốc rất hay, uống lâu thành tiên”. Có phải vì vậy không mà ngày Đoan ngọ xưa dân gian đã có tục uống rượu gọi là để diệt trùng bọ ở trong người, nên Tết nầy xưa đã gọi là “Tết Giết Sâu Bọ”.
● Hoặc là vào ngày nầy, mọi người thường đi hái lá thuốc về tắm rửa cho thông huyết mạch, tránh cảm mạo trong tiết Đoan dương. Để rồi từ đó mới thêu dệt, du nhập, lưu truyền chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu hái thuốc gặp tiên. Người Việt xưa còn lấy lá ngải bện treo trước cửa để ngăn khí độc vào ngày Đoan ngọ.
Kiểu dùng tơ ngũ sắc buộc vào cánh tay, mặc áo dấu, cột chỉ ngũ sắc vào bánh, gọi là dùng để cúng cho Khuất Nguyên… đó vốn là là tập tục ngoại lai, chúng đã du nhập theo hướng trừ ma, trấn quỷ, mang màu sắc tà thần, theo như mô tả của Ức Trai Nguyễn Trãi trong bài thơ Đoan Ngọ Nhật – Ngày Đoan Ngọ:
Thiên trung cộng hỷ trị giai thần
Tửu phiếm xương bồ tiết vật tân
Tiến thiếp đương niên tư Vĩnh Thúc
Trầm Tương để sự thán Linh Quân
Tịch tà bất dụng ty triền tý
Tùy tục liêu vi ngải kết nhân
Nguyện bả lan thang phân tứ hải
Tòng kim táo tuyết cựu ô dân
(Đoan Ngọ Nhật – Nguyễn Trãi)
Tạm hiểu nghĩa:
Cùng mừng nhau giữa trưa gặp được ngày giờ quý
Rượu ngâm xương bồ là món mới cho ngày tết, rót uống chơi
Nhớ năm ấy Vĩnh Thúc (Âu Dương Tu) can vua mà dâng sớ
Thấy thương cho Khuất Nguyên trầm mình xuống Tương giang
Không dùng chỉ ngũ sắc buộc ở cánh tay để trừ tà
Tạm lấy lá ngải bện thành hình nhân theo phong tục
Nguyện mang nước thơm mộc lan rải chia bốn biển
Để từ nay rửa sạch cái ô nhục trước đây của tứ dân.
● Tết Đoan ngọ. Xét ra ở vào cái thuở mà canh tác, nước nôi đều trông cậy vào thiên nhiên, vào mưa nắng… thu được mùa, xuống được giống, sao lại chẳng ăn mừng. Ăn mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ăn cái Tết vào giữa năm. Ăn Tết thì đâu để riêng tưởng nhớ người đã trầm mình xuống giòng Mịch La, cũng đâu phải để nhắc đến chuyện mấy anh đi hái thuốc vô tình lạc chốn thiên thai. Những mắm muối ấy chỉ là những gia vị nêm thêm vào món ăn đã sẵn có.
Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hiện giờ chỉ còn đáng quan tâm về khái niệm đây là ngày giết sâu bọ của người Việt xưa. Những con sâu con bọ trong tâm, con người không tự giết nó trước, chắc chắn việc sống chung với loài sâu bọ là điều không tránh khỏi.
-----------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

NÚI ÔNG BÌNH

KHI ÔNG BÌNH ĐỘI MŨ
Bình là tên gọi tắt của Nguyễn Quang Bình, còn được biết dưới tên từng làm vỡ mật lân bang là Quang Trung Đại Đế - Nguyễn Huệ.
Ông Bình là danh xưng người địa phương Tây Sơn chỉ cho Hòn núi nằm phía phải đèo An Khê. Phía trái đèo là Hòn Nhược, gọi trại tên của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Đỉnh đèo An Khê nay là phân thủy ranh giới giữa Bình Định và Gia Lai. Từ xa xưa đèo theo ngữ âm của người Bhanar gọi là đèo Mang, có nghĩa là Cổng, là Cửa ngõ. Đôi ba chục cây số phía trên kia với bình độ cao hơn có đèo Mang Yang, nghĩa là Cổng Trời.
Khi Ông Bình đội mũ là hình tượng hòn Ông Bình có mây từ trên cao nguyên kéo xuống đây vần vũ quanh đỉnh núi. Cho nên xưa người Thượng Sơn cùng với Thượng Giang (Thượng Sơn trước kia là một xóm của làng Thượng Giang) thường nói với nhau “Khi Ông Bình đội mũ là trời sắp mưa”.

+ Tên Ông Bình ở đây vẫn còn lưu lại trong tâm thức những nông dân quanh năm cần nước nôi cho đồng lúa “Lạy trời mưa xuống / Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày”.
+ Tên Ông Bình còn lưu lại trong sách sử nhà Nguyễn như Đại Nam Nhất Thống Chí miêu tả núi Lỗ Tây:
« Núi Lỗ Tây ở thôn Thượng Giang về phía Tây Bắc huyện, gần về phía Nam có núi Miệt Sơn, phía Tây Bắc có núi Lỗ Dương, núi Thạch Sơn, núi Lý Văn. Lưng núi có đường đi đến đường An Khê, phía Bắc đường có núi Bà, núi Dừa, núi Độc, núi Cái Đính. Lại ở thôn Định Chiêu về phía Tây Bắc huyện Tuy Viễn có núi “Bình Sơn”, núi “Nhạc Sơn”, lưng núi đều có đường đi đến An Khê ».
Khi nhà Tây Sơn khởi nghiệp ở An Khê. Hòn Bình là lũy trại của Nguyễn Huệ, Hòn Nhược là lũy trại của Nguyễn Nhạc. Triều Nguyễn cũng hay là ghi chép tên dân gian đặt cho núi theo tên 2 thủ lĩnh của nhà Tây Sơn. Thù hằn nhưng đâu có tiểu tâm xóa vết tích đối phương.
Người địa phương ở đây nay chỉ còn biết Lỗ Tây, hòn Ông Bình, hòn Ông Nhạc, chỉ biết Định Nhì, Định Trung, Định Quang là Định Chiêu xưa. Và người nơi đây nay chỉ còn biết dậm cẳng kêu trời, rừng đâu còn để cho Ông Bình đội mũ đưa giọt nước xuống cho nông phu.
------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ