Trang chủ

CHỢ GIÃ CỦA BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY Ở ĐÂU

CHỢ GIÃ CỦA BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY Ở ĐÂU
Nếu nói về Cửa Giã thì người Bình Định xưa có câu:
“Ai về cửa Giã chiều hôm
Măng le gởi xuống cá chuồn gởi lên”.

Nghe tên cửa Giã, nhưng nhiều người Bình Định hiện nay chắc gì biết được nó ở chỗ nào. Có thể suy ra được nó là một cửa biển nhờ vào món “cá Chuồn”, nhờ vào lưới cào, xưa đánh bắt bằng phương tiện nầy gọi là “kéo Giã”. Bình Định cũng có lắm cửa biển thì cửa Giã là cửa biển nào. Nếu dựa vào “Măng le” là một sản phẩm đặc thù của vùng Tây nguyên, thì Măng le gởi xuống cho cửa Giã, hiểu được chỉ có thể đó là cửa biển Quy Nhơn.
Với cửa Giã phải khổ công là vậy huống hồ là chợ. Chợ thì có mặt ở khắp nơi vùng hạ bạn. Đây đúng là điều khốn khó cho những nhà chép sử ngày xưa, và ngay cho cả những nhà biên dịch ngày nay.
Mấy nhà chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về một trận đánh giữa quân Gia Định của Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn vào tháng Tư năm Kỷ Mùi 1799:
+ Võ Tánh và Nguyễn Hoàng Đức đánh giặc ở Thị Dã. Thiếu úy giặc là Trương Tiến Thúy thua chạy. Bắt được 13 thớt voi. Quân giặc chết và bị thương rất nhiều. Đuổi đến cầu Tân An, chém được Đô đốc giặc là Nguyễn Thực. Vệ úy vệ Ban trực hữu quân Thần sách là Tôn Thất Nông chết trận.
Theo cách chép sử thì hiểu được trong trận nầy quân Nam đuổi đến cầu Tân An thì bên Tây Sơn bị mất một Đô đốc, bên nhà Nguyễn Gia Miêu cũng chết tại trận một Vệ úy của phiên hiệu quân Thần Sách. Có thể đoán định theo vị trí quanh cầu Tân An thì Thị Dã là Chợ Giã. Khốn nỗi những nhà biên dịch chua thêm, gọi nơi đây là Đồng Thị, Vì Dã [埜 hoặc 野] mang nghĩa là đồng nội.
Người Bình Định hiện nay đố ai rõ được Đồng Thị là nơi nào. Cái chết người ở đây là ngữ âm giữa GI và D của người Bình Định thông thường đều phát âm theo GI. Những nhà biên dịch người Bắc theo cách hiểu của mình đã chuyển ngữ Thị Dã của người chép sử ra làm Đồng Thị. Người chép sử đã không dùng chữ Nôm, còn người dịch cứ vậy mà làm, càng gây rối thêm cho người đọc sử.
Theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Lê Quang Định khởi biên từ năm 1802, đã được nhà biên dịch Phan Đăng chép rõ ra tên “Chợ Giã”. Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định mô tả đường đến Chợ Giã trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí:
+ 444 tầm (tính từ Chợ Cẩm Thượng) … là đến Chợ Thượng Lộc (tục gọi Chợ Giã), hai bên chợ có quán xá rất đông đúc, khách đi đường có thể nghỉ lại đây. Ngày trước quân ta đại phá thủy quân Tư đồ Vũ Văn Dũng của Tây Sơn tại nơi này.
Như vậy với cứ liệu của Lê Quang Định, kết hợp thông tin mà Thực Lục đã chép thì trước trận hải chiến Thị Nại (1801), vào năm 1799 quân Nam đã đổ bộ lên được Chợ Giã, và từ đây Võ Tánh cùng Nguyễn Huỳnh Đức rượt đuổi quân Trương Tiến Thúy đến tận cầu Tân An, chỗ giáp ranh Phường Bình Định với thôn Huỳnh Kim trên QL 1 bây giờ. Chợ Giã là chợ của ấp Thượng Lộc Tứ Chánh, cách chợ Cẩm Thượng 444 tầm, tức khoảng 940m.
Đến triều vua Minh Mệnh, năm 1839 đã cải Cẩm Thượng Tứ Chánh ấp thành thôn Cẩm Thượng, cải Thượng Lộc Tứ Chánh ấp thành thôn Chánh Lộc, sau gọi là Chánh Thành. Dấu xưa chỉ còn biết đình Cẩm Thượng hiện ở phường Trần Hưng Đạo.
Chắc là Chợ Giã hồi ấy nằm đâu đó vùng Khu 2 của Quy Nhơn. Không chừng cũng có thể là Chợ Lớn Quy Nhơn, hoặc Chợ Chiều chỗ đường Nguyễn Huệ bây giờ, nơi nằm bên cửa Giã có cá Chuồn để trao đổi Măng Le của người miền ngược.
Người Bình Định hôm nay phần nhiều đã quên lãng dấu tích xưa, chỉ vì người ngày nay đâu còn lưu tâm những gì của ngày xa xưa cũ nữa.
----------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ
(Ảnh của cơ quan truyền thông Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia)

ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH TẾT GIỮA NĂM CỦA NGƯỜI VIỆT

ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH
TẾT GIỮA NĂM CỦA NGƯỜI VIỆT
Đoan Ngọ năm ngoái đã post bài trên face
Nay lược sơ, tóm tắt gọn lại.
(Phần minh chứng phải dẫn dài dòng. Có thể đọc toàn bài theo link ở comment thứ 1)
VÌ SAO GỌI THÁNG 5 ÂM LỊCH LÀ GIỮA NĂM
Cấu trúc lịch cổ theo tuần trăng hầu hết cả Á lẫn Âu, cũng như của người Việt đều chỉ có 10 tháng. Cải tiến lịch theo chuyển vận mặt trời cho phù hợp chu kỳ khí hậu, người Việt xưa áp dụng yếu tố Tiết Khí, mới biến lịch thành 12 tháng. Hai tháng thêm vào là Chạp và Giêng. Người Việt có câu nói về tuần tự của tháng là Một, Chạp, Giêng, Hai. Tháng Một ngày xưa bây giờ gọi là tháng 11, hay tháng Tý, lấy Chi đầu tiên trong thập nhị Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo… để đặt tên cho tháng Một.
Ăn Tết Nguyên Đán tháng Giêng (tức tháng Dần) là theo Lịch Kiến Dần, Ăn Tết tháng Một là theo Lịch Kiến Tý. Không loại trừ người Việt cổ đã ăn Tết Nguyên Đán tháng Một. Vào triều Nguyễn vẫn còn có người Xứ Đoài, tỉnh Sơn Tây lấy tháng 11 âm lịch làm đầu năm mới. Đại Nam Nhất Thống Chí chép:
+ Thổ dân ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương, hằng năm lấy tháng 11 làm đầu năm, hàng tháng lấy ngày mồng 2 làm đầu tháng và lấy ngày mồng 1 làm cuối tháng, gọi là tháng lùi ngày tiến, lại gọi là ngày nội, dùng trong dân gian, còn ngày quan lịch thì gọi là ngày ngoại, chỉ dùng khi có việc quan
VÌ SAO LẠI ĂN TẾT GIỮA NĂM
Là dân nông nghiệp lúa nước, người Việt có câu ca dao:
Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng…
Tháng Tư làm mạ để chuẩn bị cho vụ Mùa, trong khi bước qua tháng Năm lại là tháng thu hoạch vụ Chiêm:
Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy

Trồng trỉa của người Việt, sau cây mưa sung vũ thường có vào tiết Tiểu Mãn hằng năm (21 tháng 5 dương lịch), là tới tiết Mang Chủng (ngày 5 hoặc 6 tháng 6 dương lịch) tức thời điểm phải tra giống, hoặc cấy hoặc gieo. Khoảng thời gian nầy, xét vào lịch đã cải tiến theo Tiết khí, biên độ xê dịch của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch bao giờ cũng xoay quanh, hoặc trước hoặc sau tiết Mang Chủng. Như vậy ăn mừng vào giữa năm, xem như là lễ Tết, là mừng đã thu hoạch xong vụ Chiêm, mừng đã xuống được giống vụ Mùa.
NGƯỜI VIỆT XƯA ĂN TẾT GIỮA NĂM RA SAO
● Lao động nông vụ ngày xưa phải cần người. Ăn Tết Giữa năm ngày xưa là ngày đoàn tụ của anh em, con cháu trong nhà. Nếp xưa để lại, nên Cao Bá Quát làm quan ở xa không về được với gia đình trong ngày Đoan Ngọ, vào tiết Đoan Dương, ông đã thốt:
Mạc mạc gia hương lưỡng thân cách,
Thê thê ky hoạn nhất huynh dao…
(Đoan Dương – Cao Bá Quát)
Tạm hiểu:
Mờ mịt quê nhà xa phụ mẫu
Lăng xăng đất khách cách bào huynh…

● Trong ngày Tết Đoan ngọ xưa, vì vừa thu hoạch mùa màng nên chú Rể người Việt có tục mừng Cơm Mới cho gia đình vợ sắp cưới. Học trò còn có tục Sêu Tết cho Thầy dạy, vì lương phạn của những Thầy Đồ xưa chỉ nhờ vào thu hoạch suất ruộng công điền cấp cho mà tự canh tác.
● Tết Đoan ngọ người Việt thường dùng rượu nhẹ như rượu nếp, hoặc rượu ngâm thảo dược như thạch xương bồ, uống để điều hòa khí huyết trước thời tiết vừa mưa to vừa nắng gắt của tháng 5. Y kinh (sách thuốc) mô tả Thạch xương bồ là “loại cỏ trên đá, một tấc 9 cành, làm thuốc rất hay, uống lâu thành tiên”. Có phải vì vậy không mà ngày Đoan ngọ xưa dân gian đã có tục uống rượu gọi là để diệt trùng bọ ở trong người, nên Tết nầy xưa đã gọi là “Tết Giết Sâu Bọ”.
● Hoặc là vào ngày nầy, mọi người thường đi hái lá thuốc về tắm rửa cho thông huyết mạch, tránh cảm mạo trong tiết Đoan dương. Để rồi từ đó mới thêu dệt, du nhập, lưu truyền chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu hái thuốc gặp tiên. Người Việt xưa còn lấy lá ngải bện treo trước cửa để ngăn khí độc vào ngày Đoan ngọ.
Kiểu dùng tơ ngũ sắc buộc vào cánh tay, mặc áo dấu, cột chỉ ngũ sắc vào bánh, gọi là dùng để cúng cho Khuất Nguyên… đó vốn là là tập tục ngoại lai, chúng đã du nhập theo hướng trừ ma, trấn quỷ, mang màu sắc tà thần, theo như mô tả của Ức Trai Nguyễn Trãi trong bài thơ Đoan Ngọ Nhật – Ngày Đoan Ngọ:
Thiên trung cộng hỷ trị giai thần
Tửu phiếm xương bồ tiết vật tân
Tiến thiếp đương niên tư Vĩnh Thúc
Trầm Tương để sự thán Linh Quân
Tịch tà bất dụng ty triền tý
Tùy tục liêu vi ngải kết nhân
Nguyện bả lan thang phân tứ hải
Tòng kim táo tuyết cựu ô dân
(Đoan Ngọ Nhật – Nguyễn Trãi)
Tạm hiểu nghĩa:
Cùng mừng nhau giữa trưa gặp được ngày giờ quý
Rượu ngâm xương bồ là món mới cho ngày tết, rót uống chơi
Nhớ năm ấy Vĩnh Thúc (Âu Dương Tu) can vua mà dâng sớ
Thấy thương cho Khuất Nguyên trầm mình xuống Tương giang
Không dùng chỉ ngũ sắc buộc ở cánh tay để trừ tà
Tạm lấy lá ngải bện thành hình nhân theo phong tục
Nguyện mang nước thơm mộc lan rải chia bốn biển
Để từ nay rửa sạch cái ô nhục trước đây của tứ dân.
● Tết Đoan ngọ. Xét ra ở vào cái thuở mà canh tác, nước nôi đều trông cậy vào thiên nhiên, vào mưa nắng… thu được mùa, xuống được giống, sao lại chẳng ăn mừng. Ăn mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ăn cái Tết vào giữa năm. Ăn Tết thì đâu để riêng tưởng nhớ người đã trầm mình xuống giòng Mịch La, cũng đâu phải để nhắc đến chuyện mấy anh đi hái thuốc vô tình lạc chốn thiên thai. Những mắm muối ấy chỉ là những gia vị nêm thêm vào món ăn đã sẵn có.
Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hiện giờ chỉ còn đáng quan tâm về khái niệm đây là ngày giết sâu bọ của người Việt xưa. Những con sâu con bọ trong tâm, con người không tự giết nó trước, chắc chắn việc sống chung với loài sâu bọ là điều không tránh khỏi.
-----------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

NÚI ÔNG BÌNH

KHI ÔNG BÌNH ĐỘI MŨ
Bình là tên gọi tắt của Nguyễn Quang Bình, còn được biết dưới tên từng làm vỡ mật lân bang là Quang Trung Đại Đế - Nguyễn Huệ.
Ông Bình là danh xưng người địa phương Tây Sơn chỉ cho Hòn núi nằm phía phải đèo An Khê. Phía trái đèo là Hòn Nhược, gọi trại tên của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Đỉnh đèo An Khê nay là phân thủy ranh giới giữa Bình Định và Gia Lai. Từ xa xưa đèo theo ngữ âm của người Bhanar gọi là đèo Mang, có nghĩa là Cổng, là Cửa ngõ. Đôi ba chục cây số phía trên kia với bình độ cao hơn có đèo Mang Yang, nghĩa là Cổng Trời.
Khi Ông Bình đội mũ là hình tượng hòn Ông Bình có mây từ trên cao nguyên kéo xuống đây vần vũ quanh đỉnh núi. Cho nên xưa người Thượng Sơn cùng với Thượng Giang (Thượng Sơn trước kia là một xóm của làng Thượng Giang) thường nói với nhau “Khi Ông Bình đội mũ là trời sắp mưa”.

+ Tên Ông Bình ở đây vẫn còn lưu lại trong tâm thức những nông dân quanh năm cần nước nôi cho đồng lúa “Lạy trời mưa xuống / Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày”.
+ Tên Ông Bình còn lưu lại trong sách sử nhà Nguyễn như Đại Nam Nhất Thống Chí miêu tả núi Lỗ Tây:
« Núi Lỗ Tây ở thôn Thượng Giang về phía Tây Bắc huyện, gần về phía Nam có núi Miệt Sơn, phía Tây Bắc có núi Lỗ Dương, núi Thạch Sơn, núi Lý Văn. Lưng núi có đường đi đến đường An Khê, phía Bắc đường có núi Bà, núi Dừa, núi Độc, núi Cái Đính. Lại ở thôn Định Chiêu về phía Tây Bắc huyện Tuy Viễn có núi “Bình Sơn”, núi “Nhạc Sơn”, lưng núi đều có đường đi đến An Khê ».
Khi nhà Tây Sơn khởi nghiệp ở An Khê. Hòn Bình là lũy trại của Nguyễn Huệ, Hòn Nhược là lũy trại của Nguyễn Nhạc. Triều Nguyễn cũng hay là ghi chép tên dân gian đặt cho núi theo tên 2 thủ lĩnh của nhà Tây Sơn. Thù hằn nhưng đâu có tiểu tâm xóa vết tích đối phương.
Người địa phương ở đây nay chỉ còn biết Lỗ Tây, hòn Ông Bình, hòn Ông Nhạc, chỉ biết Định Nhì, Định Trung, Định Quang là Định Chiêu xưa. Và người nơi đây nay chỉ còn biết dậm cẳng kêu trời, rừng đâu còn để cho Ông Bình đội mũ đưa giọt nước xuống cho nông phu.
------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

ẢI NAM QUAN

ẢI NAM QUAN: xưa & nay!
Ngày xưa đi học cấp 1, bài tập đọc cô giáo bắt thuộc lòng: nước ta bắt đầu từ Ải Nam Quan...
Lớn lên chút, đọc sách sử biết câu chuyện Nguyễn Trãi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh ở Ải Nam Quan với lời dặn đẫm nước mắt: về lo cứu nước cứu dân đang rên xiết dưới ách cừu thù, ấy mới là cái hiếu của kẻ sĩ phu...
Mặc định trong đầu từ thủa xa xưa thơ ấu, Ải Nam Quan là ranh giới, là nơi phân định nước Bắc- Trung Quốc, với nước Nam- Việt Nam đã tự ngàn đời nay...

Ảnh chụp thời Pháp thuộc còn lưu lại rành rành kia: cửa ải và những bức tường chạy dài về hai bên, phân định rõ ràng biên cương lãnh thổ. Tôi cũng không có điều kiện để nghiên cứu cái hiệp định Pháp- Thanh về phân chia lãnh thổ hai bên, nhưng tôi tin chắc rằng khi ấy người Pháp cùng triều đình nhà Thanh đã tôn trọng lịch sử mà lấy Ải Nam Quan làm cột mốc đường biên giữa hai nước...
Lịch sử quan hệ Việt Nam- Trung Quốc từ thế kỷ 19, 20, 21 nay là một giai đoạn rất hỗn loạn. Có lúc như thiên tử với chư hầu, có lúc độc lập, có lúc đối đầu không đội trời chung, lại có lúc anh em môi răng thắm thiết rồi... lại quay ra cắn xé nhau!
Gần đây nhất, sau cuộc chiến 1979 mà rốt cuộc cả hai bên đều thấy phi lí, bèn quay ra làm lành: hội nghị Thành Đô mở đầu, rồi tiếp theo là vô vàn các cuộc thăm viếng hiếu hỉ các cấp với những ôm hôn thắm thiết, tay bắt mặt mừng...như chưa hề có chuyện mấy vạn sinh linh hai nước chết oan uổng, như chưa hề có vụ coi nhau là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất!
Rồi một ngày không biết xấu hay đẹp, thấy nhà nước công bố Hiệp định phân định biên giới trên bộ Việt -Trung đã hoàn thành!
Kẻ này vốn nhẹ dạ cả tin, tin rằng thế này thì hòa bình vĩnh viễn rồi. Rằng Ải Nam Quan đầy máu xương và nước mắt xưa nay sẽ thành Hữu Nghị Quan hòa hiếu muôn năm...
Bèn làm tua du lịch đường bộ đầu tiên sang Trung Quốc qua ngả Bằng Tường...
Hỡi ôi thất vọng!

Qua cửa khẩu làm thủ tục xong, nhìn mãi chả thấy Ải Nam Quan xưa đâu. Hỏi hướng dẫn viên, nó bảo cứ đi thẳng về phía trước sẽ thấy: kẻ này đã kéo vali đi bộ mướt mải mới tới Ải Nam Quan xưa, nay hoàn toàn nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc! Ngay lúc đó đã nhiều người phẫn nộ, lắc đầu ngao ngán...
Đất đai của ông cha, giao cho ai đó thay mặt nhân dân quản lý mà tùy tiện đem xén, đem cho, đem bán cho nước người cứ như không! Cứ như là những tấc đất mét núi dặm sông biển trời kia chưa từng ngấm máu và mồ hôi của con dân Việt trải từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến nay khai phá bồi đắp giữ gìn mà nên được non sông gấm vóc này!
Ôi, Ải Nam Quan xưa đã vĩnh viễn chỉ còn trong sử sách! Mỗi lần muốn chiêm ngưỡng dấu tích cổ xưa của biên giới nước Việt ta lại phải mua vé du lịch sang nước "bạn", mới được ngắm cảnh xưa và mong gặp lại hồn cố nhân...
Ai làm ra nỗi này?

Rồi đây tất cả những kẻ đó sẽ phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của nhân dân và lịch sử!
Không một điều gì bị lãng quên. Và cũng không một kẻ nào dù quyền cao chức trọng đến đâu mà che giấu được bất cứ hành động nào của họ. Đặc biệt là những việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, vận mệnh quốc gia. Tất cả sẽ bị lột trần dưới ánh mặt trời với sức mạnh vô biên của thời gian!

Nguồn: Canh TranThanh

NÚI NON BÌNH ĐỊNH TRONG THƯ TỊCH CỔ

NÚI NON BÌNH ĐỊNH TRONG THƯ TỊCH CỔ
1) THỔ SƠN VÀ ÚC SƠN
Danh sơn không chỉ là núi non kỳ vỹ, mây nước hữu tình. Một ngọn núi, một bìa rừng, một cội cây, ngọn cỏ thoáng có bóng dáng người xưa cũng đủ để lưu tên núi trong tâm khảm.
Phủ Quy Nhơn ngày xưa từng là chiến trường của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Miêu, nên núi non ở đây đẫm hằn máu đỏ, lưu dày tiếng kêu than của người Bình Định. Sao lục thư tịch cổ viết về nước non Bình Định là để sống với người xưa, để cùng người nay biết rõ và thương yêu hơn sông núi của mình.

● THỔ SƠN VÀ ÚC SƠN
Thổ Sơn, tên nôm na là một hòn Núi Đất. Ở khắp nơi đều dẫy đầy tên Núi Đất, không riêng gì ở Bình Định. Trong chiến trận 1793 ở phủ Quy Nhơn (Bình Định), Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về Thổ Sơn và Úc Sơn trong Đại Nam Thực Lục:
● Tháng 6 năm Quý Sửu, Võ Tánh đánh vỡ quân giặc ở cầu Tân Hội. Giặc lui về Úc Sơn, giữ chỗ hiểm đặt quân phòng thủ… Vừa gặp bộ binh của bọn Tôn Thất Hội theo hai đường Hà Nha và Cù Mông kéo đến. Giặc Nguyễn Văn Bảo bèn đặt liền đồn trại từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống quân ta. (Tr 317, Tập I)
Úc Sơn hay núi Úc, là hòn Hàm Long ở địa giới giáp ranh Phong Thạnh (TT Tuy Phước) và Thuận Nghi (Tp Quy Nhơn), chỗ cầu Trường Úc bây giờ. Trong chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Gia Miêu, nhà Tây Sơn có lập một phòng tuyến ở núi Úc để ngăn chặn thủy bộ binh Gia Định tiến lên thành Hoàng Đế (giờ thuộc xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn). Phòng tuyến cầu Tân Hội chỉ ngăn quân Nam đổ bộ lên Chợ Giã (Tp Quy Nhơn), phòng tuyến Úc Sơn là lớp thứ hai, ngăn được cả thủy binh từ đầm Thị Nại tiến lên theo ngả sông Tọc, chặn được cả bộ binh quân Nam nếu vượt được Cù Mông tiến ra, hoặc ngả đèo Cù Mông QL1A ra ngõ Phú Tài, hoặc ngả đường 19C (Hà Nha) ra ngõ Diêu Trì.
Nguyễn Văn Bảo (Nguyễn Bảo) là con của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, trong chiến trận Quý Sửu 1793 đã đóng liền đồn lũy từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống cự với quân Gia Định. Như vậy Thổ Sơn có vị trí chiến lược quân sự gắn liền với phòng tuyến núi Úc, gắn liền với con đường có núi Úc và thành Hoàng Đế. Thổ Sơn hiện ở vị trí nào ngày nay?
Xét về Núi Đất – Thổ Sơn, ở mục Tháp cổ trong Đại Nam Nhất Thống Chí cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về cụm Tháp Thị Thiện ở Bình Định :

● “Tháp Thị Thiện gồm có 4 cái ở trên núi Đất, chỗ giáp giới 4 thôn Đại Lộc, Huỳnh Kim, Vạn Bảo, Phong Niên” (tr43, Tập III).
+ Đại Lộc nay là thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, Tuy Phước.
+ Huỳnh Kim nay thuộc phường Nhơn Hòa, Thị xã An Nhơn
+ Vạn Bảo nay là thôn Phú Mỹ, xã Phước Lộc, Tuy Phước.
+ Phong Niên nay thuộc thôn Phong Tấn (ghép tên xưa của 2 thôn Phong Niên và Tấn Lộc), xã Phước Lộc, Tuy Phước.
Thổ Sơn trong chiến trận 1793 là núi Thị Thiện ngày nay, là một ngọn đồi bên cạnh cầu Gành, còn gọi là cầu Bà Di. Trên núi có cụm tháp cổ Chiêm Thành, người Pháp gọi là Tháp Bạc (Tour d'argent ), người địa phương còn gọi là Tháp Bánh Ít. Bên sườn núi phía Đông có Tu viện Nguyên Thiều, là trường Trung cấp Phật học Bình Định xây dựng từ hồi năm 1958.
-------------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ