Trang chủ

NÚI NON BÌNH ĐỊNH TRONG THƯ TỊCH CỔ

NÚI NON BÌNH ĐỊNH TRONG THƯ TỊCH CỔ
1) THỔ SƠN VÀ ÚC SƠN
Danh sơn không chỉ là núi non kỳ vỹ, mây nước hữu tình. Một ngọn núi, một bìa rừng, một cội cây, ngọn cỏ thoáng có bóng dáng người xưa cũng đủ để lưu tên núi trong tâm khảm.
Phủ Quy Nhơn ngày xưa từng là chiến trường của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Miêu, nên núi non ở đây đẫm hằn máu đỏ, lưu dày tiếng kêu than của người Bình Định. Sao lục thư tịch cổ viết về nước non Bình Định là để sống với người xưa, để cùng người nay biết rõ và thương yêu hơn sông núi của mình.

● THỔ SƠN VÀ ÚC SƠN
Thổ Sơn, tên nôm na là một hòn Núi Đất. Ở khắp nơi đều dẫy đầy tên Núi Đất, không riêng gì ở Bình Định. Trong chiến trận 1793 ở phủ Quy Nhơn (Bình Định), Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về Thổ Sơn và Úc Sơn trong Đại Nam Thực Lục:
● Tháng 6 năm Quý Sửu, Võ Tánh đánh vỡ quân giặc ở cầu Tân Hội. Giặc lui về Úc Sơn, giữ chỗ hiểm đặt quân phòng thủ… Vừa gặp bộ binh của bọn Tôn Thất Hội theo hai đường Hà Nha và Cù Mông kéo đến. Giặc Nguyễn Văn Bảo bèn đặt liền đồn trại từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống quân ta. (Tr 317, Tập I)
Úc Sơn hay núi Úc, là hòn Hàm Long ở địa giới giáp ranh Phong Thạnh (TT Tuy Phước) và Thuận Nghi (Tp Quy Nhơn), chỗ cầu Trường Úc bây giờ. Trong chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Gia Miêu, nhà Tây Sơn có lập một phòng tuyến ở núi Úc để ngăn chặn thủy bộ binh Gia Định tiến lên thành Hoàng Đế (giờ thuộc xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn). Phòng tuyến cầu Tân Hội chỉ ngăn quân Nam đổ bộ lên Chợ Giã (Tp Quy Nhơn), phòng tuyến Úc Sơn là lớp thứ hai, ngăn được cả thủy binh từ đầm Thị Nại tiến lên theo ngả sông Tọc, chặn được cả bộ binh quân Nam nếu vượt được Cù Mông tiến ra, hoặc ngả đèo Cù Mông QL1A ra ngõ Phú Tài, hoặc ngả đường 19C (Hà Nha) ra ngõ Diêu Trì.
Nguyễn Văn Bảo (Nguyễn Bảo) là con của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, trong chiến trận Quý Sửu 1793 đã đóng liền đồn lũy từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống cự với quân Gia Định. Như vậy Thổ Sơn có vị trí chiến lược quân sự gắn liền với phòng tuyến núi Úc, gắn liền với con đường có núi Úc và thành Hoàng Đế. Thổ Sơn hiện ở vị trí nào ngày nay?
Xét về Núi Đất – Thổ Sơn, ở mục Tháp cổ trong Đại Nam Nhất Thống Chí cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về cụm Tháp Thị Thiện ở Bình Định :

● “Tháp Thị Thiện gồm có 4 cái ở trên núi Đất, chỗ giáp giới 4 thôn Đại Lộc, Huỳnh Kim, Vạn Bảo, Phong Niên” (tr43, Tập III).
+ Đại Lộc nay là thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, Tuy Phước.
+ Huỳnh Kim nay thuộc phường Nhơn Hòa, Thị xã An Nhơn
+ Vạn Bảo nay là thôn Phú Mỹ, xã Phước Lộc, Tuy Phước.
+ Phong Niên nay thuộc thôn Phong Tấn (ghép tên xưa của 2 thôn Phong Niên và Tấn Lộc), xã Phước Lộc, Tuy Phước.
Thổ Sơn trong chiến trận 1793 là núi Thị Thiện ngày nay, là một ngọn đồi bên cạnh cầu Gành, còn gọi là cầu Bà Di. Trên núi có cụm tháp cổ Chiêm Thành, người Pháp gọi là Tháp Bạc (Tour d'argent ), người địa phương còn gọi là Tháp Bánh Ít. Bên sườn núi phía Đông có Tu viện Nguyên Thiều, là trường Trung cấp Phật học Bình Định xây dựng từ hồi năm 1958.
-------------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

CẦU ĐÔI TP. QUY NHƠN, TÊN GỌI CÓ TỪ BAO GIỜ

CẦU ĐÔI TP. QUY NHƠN, TÊN GỌI CÓ TỪ BAO GIỜ
Cầu Đôi ở Thành phố Quy Nhơn, gồm một cầu đường bộ và một cầu đường sắt khởi từ Ga Diêu Trì xuống cảng. Hai cầu nằm song đôi với nhau, kề bên là Tháp Đôi, tháp cổ Chiêm Thành gồm 2 cái đã chừng nghìn năm tuổi. Ở đây hình ảnh đủ cặp đủ đôi đi liền, khiến cho bao câu ca xưa đã vin vào đó mà khơi duyên chuyện tình đôi lứa:
Cầu Đôi liền với Tháp Đôi,
Quanh năm suốt tháng như tôi với nàng.
Bấy lâu hầu như ai cũng cho rằng tên gọi Cầu Đôi, nó có khi người Pháp xây dựng đường sắt ở đây vào quãng thập kỷ 20, 30 của thế kỷ trước. Thực ra danh xưng Cầu Đôi đã có từ trước xa.
Trong chiến tranh giữa nhà Tây Sơn với họ Nguyễn Gia Miêu, sách sử nhà Nguyễn đã chép nó với tên là cầu Tân Hội. Nhà Tây Sơn đã lập phòng tuyến cầu Tân Hội để chống cự với quân Gia Định suốt các chiến trận từ 1793 đến 1801.
+ Như trong chiến trận 1793, tháng Sáu, Võ Tánh sau khi phá vỡ phòng tuyến cầu Tân Hội rồi tiến lên đánh với Nguyễn Bảo, con của vua Thái Đức ở cánh đồng Bình Thạnh:
● Quân ta tiến đến cánh đồng Bình Thạnh. Giặc Nguyễn Văn Nhạc sai con là Nguyễn Văn Bảo (ngụy xưng là Tiểu triều) đem quân tinh nhuệ và voi đực ra thành đánh. Quân ta đánh cho chạy (tr 317, Thực Lục Tập I)
Cánh đồng Bình Thạnh là quãng khu vực ngả ba Ông Thọ lên tới Chợ Dinh. Ở ngả ba Ông Thọ hiện nay vẫn còn đình làng Bình Thạnh. Rõ ràng phòng tuyến cầu Tân Hội nằm xa phía dưới cầu sông Ngang, cầu Chợ Dinh.
+ Như trong chiến trận 1800 – 1801, tháng 4 năm 1800 Nguyễn Ánh đưa đại quân ra giải vây cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở thành Bình Định, đã gặp sức kháng cự kịch liệt của 2 tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng tại đây. Tháng Giêng năm 1801, sau trận đại hải chiến Thị Nại, quân Nam đổ bộ lên Chợ Giã (Quy Nhơn), tháng Ba, cánh quân của Lê Văn Duyệt đánh trận cầu Tân Hội:

● Tướng giặc Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng sai đồ đảng đặt đồn bảo liên tiếp ở Phú Hòa, cầu Đông Giang, cầu Tân Hội để chống cự quân ta. Vua sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Khiêm đem quân đánh … quân giặc tán loạn, bắt được Đô đốc Nguyễn Bá Phong. Vệ úy Vệ Ban Trực tả là Võ Văn Tài trúng đạn chết ở đồng Bình Thạnh, sau tặng Chưởng cơ. (Tr 465, Thực Lục Tập I)
Làng Phú Hòa nay vẫn còn tên. Phía trong cầu Đôi có đầm Phú Hòa, hay còn gọi là đầm Thanh Cẩn. Phía ngoài cầu Đôi là núi Hưng Thạnh hay núi Tháp Đôi, là ngọn đồi mà chính Nguyễn Ánh cho quân lên theo dõi động tĩnh của quân Tây Sơn ở phòng tuyến cầu Tân Hội:
● Vua đến cầu Tân Hội, hạ lệnh cho các quân chia đắp đồn bảo, đối lũy với giặc. Sắc từ nay hễ có báo động ban ngày thì treo cờ hiệu ở trên núi, ban đêm thì đốt đài lửa hiệu, để biết mà tiếp ứng nhau. (Tr 465, Thực Lục Tập I)
Đại Nam Nhất Thống Chí, sách viết vào đời Tự Đức chép tên ngọn núi này:
● Núi Hưng Thạnh: ở thôn Hưng Thạnh, [nằm] phía Đông huyện và phía Bắc Khổ Sơn, có tên nữa là núi Độc Lập, chân núi có đền Bao Trung, phía Tây giáp Cầu Mới, phía Bắc có rừng. Năm Tân Dậu đầu đời Trung hưng [1801], sau khi quân ta đánh được Thị Nại sai các tướng chia nhau đóng đồn và đắp lũy đối diện với giặc, vua sắc rằng: Mỗi khi có động, ban ngày thì treo cờ ở đỉnh núi, ban đêm đốt lửa làm hiệu để tiện tiếp ứng, tức là núi này. (Tr. 25, NTC Tập III)
Và Nhất Thống Chí cũng có chép về cầu Tân Hội:
● Cầu Tân Hội: Ở chỗ hết nước của đầm Biển Cạn thuộc huyện Tuy Phước, tục gọi là CẦU ĐÔI. Năm Quý Sửu (1793) đầu đời Trung Hưng, Võ Tánh phá quân giặc, năm Tân Dậu (1801) Lê Văn Duyệt đánh nhau với giặc, bắt được Đô đốc giặc Nguyễn Bá Phong, đều ở chỗ này. (Tr. 52, NTC Tập III)
Đầm Biển Cạn là tên gọi khác của Đầm Thị Nại. Trước đó, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định soạn năm 1803, hoàn thành năm 1806 cũng có nói về cầu Tân Hội ở chỗ cuối của đầm Biển Cạn:
● Từ cầu sông Phú Hòa Đông, đường chạy dọc theo phía Bắc sông, phía Nam là ruộng đất cát, đến cầu Tân Hội, cầu dài 23 tầm (quãng 48m), tục gọi là CẦU ĐÔI, đây là chỗ cuối của đầm Biển Cạn. (chép lại Trang 249, HVNTDĐC)
Phú Hòa Đông là tên làng Phú Hòa vào thời Gia Long. Như vậy các sách triều Nguyễn đều khẳng định xưa Cầu Tân Hội tục gọi là Cầu Đôi.
Nói tóm lại, cầu Đôi ở thành phố Quy Nhơn nó đã mang tên gọi trong dân gian từ hồi xa lơ xa lắc, có thể nó đã có trước khi là nhà Tây Sơn dấy nghiệp ở phủ Quy Nhơn.
Đã mấy trăm năm cây Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi là hình tượng của nhân nghĩa, của tình thương đã ăn sâu vào tâm thức người Bình Định:
Cầu Đôi mà Tháp cũng Đôi
Dễ chi nhân nghĩa mà dời được sao
-------------------------------------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH HOÀNG ĐẾ

ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH HOÀNG ĐẾ NĂM 1778
CỦA SỨ ĐOÀN NGƯỜI ANH
Năm 1778, Charles Chapman, nhân viên của Công ty Đông Ấn thuộc Anh ở Bengal, được ủy nhiệm của Toàn quyền Anh nơi đây đã dẫn đầu một phái đoàn đến Xứ Đàng Trong. Mục đích của sứ đoàn là tìm kiếm cơ hội giao thương, bên trong ẩn giấu việc mở rộng sức ảnh hưởng lâu dài, không chỉ riêng là mở thương điếm.
Tàu Amazon và Jenny của phái đoàn Anh quốc cập cảng Quy Nhơn vào ngày 13 tháng Bảy năm 1778. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cho phép sứ đoàn người Anh được diện kiến ở triều đình. Triều đình nhà Tây Sơn đang đóng ở thành Hoàng Đế, hiện nay thuộc xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn.
Chiều tối ngày 22 tháng Bảy, Chapman lên bờ, nghỉ đêm ở nhà Quan trấn cảng. Đêm đó sứ đoàn người Anh đã được chiêu đãi bằng điệu múa của một đoàn vũ nữ. Charles Chapman thật thú vị khi lần đầu tiếp xúc với cách tán thưởng những màn trình diễn của xứ Đàng Trong ở đây.
Chapman chép trong Tường trình:
● “Lúc bắt đầu chương trình tiêu khiển này, Quan trấn cảng đã mang một vài xâu tiền đưa cho chúng tôi. Ông nói khi nào chúng tôi tán thưởng bất kỳ tiết mục nào thì ném chúng cho người biểu diễn".
Chapman đã phải mất 18 – 20 đô la Tây Ban Nha cho trò tán thưởng này.
8 giờ rưỡi sáng hôm sau, sứ đoàn khởi sự lên đường. Từ Quy Nhơn lên thành Hoàng Đế, Chapman nằm võng cáng, viên thư ký riêng và 2 tùy tùng đi bằng ngựa, theo sau là nhóm dân phu gánh mang tư trang và tặng phẩm của sứ đoàn.
Tường trình của Chapman về Sứ Mệnh Đến Xứ Đàng Trong cho biết: (Tr 39)

● “Thoạt đầu chúng tôi đi dọc theo bờ một dòng sông lớn, rồi đến một thung lũng trồng trỉa màu mỡ, núi cao bao quanh khắp mặt”.
(Our route at first lay along the banks of a considerable river till we entered a well cultivated valley which appeared encompassed on all sides with high mountains).
Khởi đầu sứ đoàn người Anh đi dọc theo bờ một dòng sông. Không con sông nào khác hơn là nhánh Hà Thanh chảy xuống cầu sông Ngang ra ngõ cầu Đôi bây giờ. Điều nầy trùng khớp với mô tả vào năm 1806 của Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định về đường nội Dinh Quy Nhơn.
Theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí của Lê Quang Định, từ cửa Nam Trấn thành Quy Nhơn (thành Hoàng Đế trước đó) là đường đến điếm Vĩnh Thế. Từ đây có nhánh rẽ sang Đông xuống đồn cửa Thị Nại (Bãi Nhạn Quy Nhơn), có đoạn đi dọc ven sông Phú Hòa Đông, đến cầu Tân Hội tục gọi cầu Đôi, theo đó đi qua Tháp, trước mặt Tháp có miếu thờ công thần, rồi đến Cẩm Thượng, Chánh Thành.
Phú Hòa Đông là tên vào thời Gia Long của làng Phú Hòa bây giờ. Cẩm Thượng nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, Chánh Thành thuộc phường Lê Lợi của Tp. Quy Nhơn.
Tiếp theo sau đó là "đến một thung lũng trồng trỉa màu mỡ, núi cao bao quanh khắp mặt".
Không thể nào khác hơn là vùng đồng bằng Vinh Thạnh, Vĩnh Hy của xã Phước Lộc với núi bọc chung quanh, nào Kỳ Sơn, núi Úc, núi Phủ Sơn, núi Quảng Tín, núi Thị Thiện (Thổ Sơn)…
Điếm Vĩnh Thế chép trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí nay thuộc thôn Vĩnh Hy. Vĩnh Hy là thôn ghép tên 2 làng xưa Vĩnh Thế và Gia Hy.
Vượt qua thung lũng với ba, bốn làng khá trù phú, Chapman thấy ở trên đường, làng nào cũng như làng ấy đều có công quán (Chapman gọi là public houses). Theo nhận xét của Chapman, quán bán nước chè tươi loại kém giá trị thương phẩm (chắc là nước trà lá vối), trái cây, cùng với thức ăn thức uống cho khách bộ hành.
Đúng trưa, tại một quán như vậy đã chuẩn bị sẵn bữa dành cho Quan hướng đạo đồng hành với sứ đoàn Anh quốc. Chapman chép trong Tường trình:
● “Chúng tôi đã cùng tham dự và chi trả cho bữa tiệc. Nó gồm thịt gà cắt ra từng miếng nhỏ bóp muối, phủ lên một ít rau xanh, vài món cá và trà”.
Đến 4 giờ chiều, đoàn mới tiếp tục cuộc hành trình. Khi đến được một làng khác thì trời đã tối om. Chapman hỏi biết chỉ chừng một giờ đi ngựa nữa là kịp đến cung điện của nhà vua, nhưng viên quan hướng đạo đề nghị ở lại đây nghỉ qua đêm, vì đã quá muộn để được phép đi vào trong Hoàng thành. Sứ đoàn phải chấp thuận, vì ngay cả dân phu cùng hành lý còn ở tận phía sau chưa đến kịp.
Chưa thể khẳng định sứ đoàn người Anh ăn trưa cùng với quan hướng đạo ở tại làng nào hiện nay. Nhưng hình dung ra được hành trình tiếp theo của sứ đoàn người Anh theo đường quan lộ, đường Thiên lý triều Nguyễn sau nầy. Từ xã Phước Lộc họ đi tiếp lên cầu Gành, cầu Tân An, sau đó là Chợ Gò Chàm phường Bình Định bây giờ, rồi cầu Đập Đá. Và nghỉ đêm ở đâu đó chắc có lẽ là quãng từ chợ Gò Chàm (Lam Kiều Thị) tới Đập Đá (Thạch Yển), cung đường chỉ một giờ đi ngựa là đến thành Hoàng Đế.
Tối đó, phái đoàn người Anh phải một đêm mất ngủ vì có đám cháy gần đấy. Chapman than vãn:
● “Tiếng tre nứt nổ và tiếng mọi người kêu la ra sức dập tắt nó, chẳng hứa hẹn tốt đẹp chút nào cho giấc ngủ chúng tôi”.
Rạng sáng hôm sau, ngày 24 tháng Bảy năm 1778, sứ đoàn người Anh tiếp tục lên đường, họ đi dọc theo một con đường gồ ghề xuyên qua những đồng lúa, vượt qua một vài cây cầu xây yếu ớt. Khoảng 8 giờ họ đã thấy bóng dáng Hoàng thành của triều đình vua Thái Đức Nguyễn Nhạc.
------------------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe

THÀNH HOÀNG ĐẾ NĂM 1778 DƯỚI MẮT NGƯỜI ANH

THÀNH HOÀNG ĐẾ NĂM 1778 DƯỚI MẮT NGƯỜI ANH
Thành Hoàng Đế của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, theo Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì được biết xây trên nền cũ thành Đồ Bàn (Xà Bàn, Chà Bàn) xưa là quốc đô của Chiêm Thành. Trong thành có Tháp cổ, có nghê đá, voi đá của người Chiêm (Tr 43 Tập III).
Theo Liệt Truyện, biết được danh xưng của thành có là vào năm 1778. Sau khi xây thành, sau khi xưng Đế, Nguyễn Nhạc sai “Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy, Hộ giá Phạm Ngạn đem thủy sư lấn cướp Trấn Biên (Biên Hoà), Phiên Trấn (Gia Định), các địa phương ven biển”.
Thực Lục thì cho biết các tướng này thực thi nhiệm vụ vào tháng Hai âm lịch năm Mậu Tuất (Tr 221 Tập I). Như vậy danh xưng thành Hoàng Đế đã có từ mùa Xuân năm 1778. Tháng 7 DL sứ đoàn người Anh của Chapman mới đến đây.
Thành Hoàng Đế hiện nay thuộc ranh giới các thôn Nam Tân và Bắc Thuận xã Nhơn Hậu, cùng khu vực Bả Canh phường Đập Đá ở Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chapman đã tường trình cho Toàn quyền Anh và Công ty Đông Ấn thuộc Anh ở Bengal buổi hội kiến của ông và triều đình nhà Tây Sơn tại đây năm 1778, trong đó có đôi dòng sơ lược dáng vẻ bên ngoài của Hoàng Đế thành:


● “Khoảng 8 giờ chúng tôi đã thấy bóng dáng hoàng thành của Đức vua. Cửa thành phía Đông, nơi lối vào mở rộng ra ước chừng 3/4 dặm (hơn 1km) là một bức tường bằng đá thẳng tắp, nhiều chỗ đã qua sửa chữa, không có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh, kể cả những thứ để làm nên một công sự phòng thủ. Tuy vậy bấy nhiêu cũng đủ để đáp ứng mục đích của chủ nhân. Tôi được biết nó là một tòa thành vuông, các cạnh khác tương tự như tường thành chúng tôi đã đi qua” (Tr 39 Missions To CoChin China).
Lối vào của sứ đoàn người Anh là cửa thành phía Đông, tức ngả QL1A vô ngõ Bả Canh hiện nay. Theo "Đồ Bàn Thành Ký" của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển viết vào thời Tự Đức, thì đó là lối mà khi khởi công xây dựng Nguyễn Nhạc đã cho mở rộng thêm hơn so với thành cũ của người Chiêm:
● “Mở rộng cửa Đông kéo dài chu vi 15 dặm, cao 1 trượng 4 thước (hơn 5m), dày 2 trượng (hơn 9m), mở thêm 1 cửa nữa ở cửa Nam thành 5 cửa. Bên trong có xây thành nhỏ, chính giữa là lầu Bát giác, hai bên dựng 2 nhà thờ, phía tả thờ tổ tiên ông Nhạc, phía hữu thờ tổ tiên bà Nhạc. Phía sau lầu là điện chánh tẩm (phòng ngủ của Vua), phía trước lầu là cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang làm nơi làm việc, trước cửa cung mở cửa tam quan, cũng gọi là cửa Quyển Bồng, hay là cửa Nam lâu, ngó ra cửa Vệ Môn” (Theo Tập san Sử Địa 19 & 20, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, 1970).
Miêu tả của cụ Hoàng giáp Vĩnh Ân xem ra kích thước của Thành giống như là Chapman, nhưng chi tiết tỉ mỉ hơn. Cũng dễ hiểu, vì khi sứ đoàn người Anh đến đây, Hoàng Đế thành bỏ phế những đã 300 năm, mới vừa xây lại, khởi tu bổ vào năm 1776. Chapman đã nhận ra ngay “nhiều chỗ đã qua sửa chữa”.
Nhân đây thử tìm hiểu về nhận xét của Chapman ở các chi tiết là thành “không có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh, kể cả những thứ để làm nên một công sự phòng thủ”.
+ Sách lược của Nguyễn Nhạc khi dấy nghiệp là hòa Bắc đánh Nam. Ông xem đất Đàng Ngoài như là một vùng đệm trước thế lực nhà Mãn Thanh đã thành lập vương triều cường thịnh, đã chiếm lĩnh cai trị đất Trung Hoa. Cho nên khi đến năm 1786 Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp tan phủ chúa Trịnh, sợ vương triều Lê cũng tan biến theo, ông đã phải vội ra Thăng Long dẫn em về. Giữ yên mặt Bắc cũng là một thế phòng ngự, chưa cần dùng đến thành trì.
+ Bấy giờ ở mặt phía Nam, sau khi quân của Tống Phước Hiệp đại bại ở Phú Yên, Định vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương bị bắt giết ở Gia Định năm 1777, Nguyễn Ánh thoát được nhưng còn lận đận tận trong vùng Long Xuyên, Phú Quốc. Nguyễn Nhạc còn nhiều thời gian để gia cố công sự phòng thủ.
+ Thành Hoàng Đế vốn dĩ là Đồ Bàn xưa của người Chiêm, với núi cao, sông bọc chung quanh đã vốn như hào sâu, lũy chắn thiên nhiên. Thành Đồ Bàn đã từng hiên ngang ngăn chặn sự tấn công của quân Nguyên Mông năm 1283, tướng Toa Đô đành phải giong buồm ra Bắc. Cũng tại thành Đồ Bàn, gần trăm năm sau vua Trần Duệ Tông của Đại Việt bị trúng kế không thành của Chế Bồng Nga phải tử trận vào năm 1377. Năm 1471, thất thủ trước cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, thành Đồ Bàn dưới góc nhìn của cụ Hoàng giáp Vĩnh Ân – Nguyễn Văn Hiển:
● “Chỉ vì vận mạng nước đó đến thời cáo chung, chứ đâu phải tội lỗi của bức thành đó”.
Uy thế phòng ngự của thành Hoàng Đế là các dãy núi phía Đông xa thì có Càn Dương, gần thì có núi Mò O, núi Phốc Lốc. Còn phía Nam xa thì có dãy Cù Mông, dãy Phước An, gần hơn thì có phòng tuyến núi Úc bao gồm các núi Kỳ Sơn, Phủ Sơn, Quảng Tín, Thị Thiện. Gần nữa thì có Gò Tập, núi Tam Tháp và các nhánh sông La Vỹ (Quai Vạc), Thạch Yển, Lam Kiều…
Công sự phòng thủ ở trong thành, nơi tháp Cánh Tiên có Kho thuốc súng, các Gò Chùa, Gò Cửa Chùa, Gò Tháp Mẫm là những pháo đài đặt đại bác… Võ Tánh và Ngô Tùng Châu từng dựa vào những kiến trúc đã có của nhà Tây Sơn mà chịu đựng được sự vây ép của tướng Trần Quang Diệu từ tháng Giêng năm Canh Thân (1800) cho đến tháng Năm năm Tân Dậu (1801). Bấy giờ, Trần Quang Diệu cũng nhờ vào núi hiểm sông sâu phía xa ngoài thành mà chặn đại quân Nguyễn Ánh không giải vây được cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.

Thế phòng ngự của thành Hoàng Đế đâu phải là không vững chắc.
Không những vậy, khi sứ đoàn người Anh đến thành Hoàng Đế, Chapman còn có nhận xét:
● “Vào bên trong thành, chúng tôi phải chờ chừng nửa giờ nơi dịch quán. Cổng và trên thành không một lính canh, mặt đất không có gì ngoài đồng lúa”.
Đúng là vậy, thôn Bả Canh nằm trong vòng thành Hoàng Đế, ruộng đất ở đây đa phần là quan điền. Quan điền là loại ruộng công do quan chức quản lý, để cho lính hoặc dân, cũng có thể là dân ở nơi khác đến cày cấy nộp với mức thuế cao, thu làm quốc khố, chiết lập quân lương cho thành trì. Năm Minh Mệnh áp dụng chính sách quân điền ở Bình Định, đã nhận thấy tại Bả Canh có một lượng lớn quan điền, gộp chung với công điền lên tới 119 mẫu, hơn gấp đôi tư điền. Tư điền của Bả Canh chỉ 45 mẫu.
Quân mà không lương phạn dù có uy dũng mấy thì thành cũng vỡ. Ruộng lúa mà Chapman thấy, chúng đã từng giúp cho thành kéo dài được thời gian chiến đấu trong lịch sử.
+ Năm 1799 khi Thái phủ Lê Văn Ứng của nhà Tây Sơn lên thượng đạo vận lương, bị Võ Tánh chặn đánh ở Cà Đáo (Dõng Hòa, huyện Tây Sơn ngày nay). Lê Văn Ứng chỉ thoát được thân. Cạn lương, Đại tổng quản Lê Văn Thanh, Thượng thư Binh bộ Nguyễn Đại Phác và Thiếu úy Trương Tiến Thúy phải dâng thành Hoàng Đế cho Nguyễn Ánh.
+ Năm 1801, lính phải giết ngựa mà ăn, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu người thì tự thiêu, người thì uống thuốc độc dâng thành cho Trần Quang Diệu.
Thành Hoàng Đế năm 1778 lúc Chapman đến đây, dù chỉ mới 2 năm trùng tu, nhưng qua tường trình của phái viên người Anh này, đối chiếu lại lịch sử của đất nước đã hình dung ra phần nào diện mạo, công năng một tòa thành của những vương triều đã chọn Bình Định làm quốc đô.
-----------------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe
(Sơ đồ thành Hoàng Đế và Chiến trận 1800 - 1801)

Sống không uổng kiếp này là người con Tây Sơn Bình Định

Đến hôm nay, thấm thoát thời gian trôi qua, vẫn một niềm tin Bánh cuốn Tây Sơn sẽ xuất hiện khắp nơi và trở thành một điều rất đỗi quen thuộc với ẩm thực Việt Nam.

Nếu một ngày nào đó ở thành phố hồ chí mình này, hay ở nước Việt nam này, hay ở nơi nào đó trên thế giới này xuất hiện hàng ngàn cửa hàng mang bảng hiệu BÁNH CUỐN TÂY SƠN, thật không uổng kiếp này là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Sơn.



Một vùng đất xa xôi, nhưng thật oai hùng hai tiếng Tây Sơn, ở đây bà con đều gắn liền với món Bánh cuốn, ai cũng hiểu rằng đó không chỉ là món ăn, đó còn là tinh thần, là nét riêng của những bà con nơi đây. Nhưng mãi sau này nó mới có cái tên là Bánh Cuốn Tây Sơn.

Cũng kể từ đó, bà con ở quê, không còn để cái tên là Bánh cuốn nữa, mà họ đều tự áo gắn lên mình cái tên BÁNH CUỐN TÂY SƠN.




 Đi dọc con đường quốc lộ 19, con đường huyết mạch của vùng đất Tây Sơn, rất nhiều bảng hiệu BÁNH CUỐN TÂY SƠN xuất hiện.

Đáng lẽ ra, điều này nên đã xuất hiện từ rất lâu rồi, chứ không phải đến ngày hôm nay.

Những bảng hiệu đó, Tây Sơn đó đã dần đi đến những nơi xa hơn để giới thiệu mình , đến những nơi đô thị, hoa lệ. Nơi nó phải đến để lớn lên.


Có một lần, một người con Tây Sơn đến gặp người đàn anh đi trước,  bước tiếp theo em cần làm là gì hả anh. 

Anh bảo, hãy dồn hết tâm huyết chăm chút , để nó lớn lên từng ngày, nhắc đến Quảng, người ta tự hào có Mì Quảng, nói đến Huế, người ta tự hào có BÚN BÒ HUẾ....

Dạ, em đã hiểu. Em cần làm gì cho những bước tiếp theo. Nói đến Bình Định thì mọi người sẽ biết đến BÁNH CUỐN TÂY SƠN.


Hãy để ẩm thực Tây Sơn, để ẩm thực Bình Định là Chính nó, đáng lẽ ra nó phải lớn hơn thế rất nhiều.

Khi mà mọi người cùng nhau làm, cùng nhau gắn lên cái bảng hiệu mình tên Bánh cuốn Tây Sơn, không những bạn đang làm cho bạn, hãy nhớ rằng đó là bạn còn đang nợ quê hương , bạn đang mượn cái tên Tây Sơn, để bạn bè tứ phương thưởng thức, được biết đến. Nên hãy hiểu về Tây Sơn.




Là một người con được hưởng khí trời Tây Sơn, hơi thở , uống nước nguồn, ăn cái mưa, dầm cái nắng ơ Tây sơn.


Chỉ cần làm đúng theo cái riêng vốn có của nó.

Bánh cuốn Tây Sơn là khi ăn phải có tỏi và ớt bay.

Nước chấm Bánh cuốn Tây Sơn là linh hồn của nó, là nước tương đậu phộng, vị chua, ngọt thơm, cay , nồng nàn của ớt tỏi. Thật Hoà quyện với nhau.




Bên trong nhất định phải có chả ram, thịt lụi nướng thơm ngon, nem nướng tuyệt hảo , trứng vịt luộc béo béo ... Nhất định phải có rau thơm, gồm các loại Chính là tía tô, húng cây, rau răm và đặc biệt là dưa leo bằm.   

Đừng cố thay đổi nó, nếu bạn không hiểu gì về Bánh Cuốn Tây Sơn.


Đừng  lấy bánh tráng chiên, rồi gọi nó là chả ram , chả ram là phải giòn, thơm, sử dụng đúng loại bánh gạo tinh nguyên. Nếu lấy bánh tráng chiên lên thì nó sẽ mềm xèo, béo,,, rất khó ăn vì bay mùi dầu.

Đừng chọn thịt lun tun, đừng ướp thịt theo cách tự có, để làm nên thịt lụi đúng hảo, hãy về Tây Sơn hỏi các cụ trong những ngày cúng giỗ.


Hãy làm đúng với tên gọi của Bánh Cuốn Tây Sơn, để bạn bè tứ phương được cơ hội thưởng thức món ăn tuyệt vời này.