Nhưng có một điều lạ là, khi mình bước chân vào Sài Gòn để học, mình thèm bánh, dù có mang bánh tráng vào, nhưng cũng không thể nào làm ra được cái hương vị quê ấy, mà mỗi lần làm thì rất cực, bởi Bánh cuốn Tây Sơn muốn ngon, phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu rất công phu. Lúc bấy giờ, tìm nát cái đất Sài Gòn cũng không ai bán. Thèm thì ráng mà chịu, để khi về quê mới được ăn. Ý tưởng mang hương vị Bánh cuốn Tây Sơn ra khỏi ao làng cũng bắt đầu từ đó.
Bánh cuốn Tây Sơn cũng là một cái duyên đến với mình, ở quê mình, bán tráng là một điều quá quen thuộc, nó như là món ăn thay cơm tiện lợi. Quê mình lấy bánh tráng, cuốn với các nguyên liệu bên trong để ăn, gọi là Bánh cuốn, mình là người con vùng đất Tây Sơn, nơi sinh ra anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nên khi mang món này ra khỏi ao làng, mình lấy tên là Bánh cuốn Tây Sơn, để mãi nhớ rằng bánh này có nguồn gốc từ Tây Sơn Bình Định. Một ngày nào đó, món ăn này nổi tiếng rộng rãi, Tây Sơn được đi khắp nơi, đó là niềm vui, niềm ao ước của bản thân mình.
Từ nhỏ, quê mình nghèo lắm, ăn được bánh tráng mì đó đã là niềm hạnh phúc, chứ đâu ra mà bánh tráng gạo, bánh cuốn như ngày nay, với mình, bánh cuốn là một món ăn xa xỉ. Từ nhỏ, lớn lên thời hậu bao cấp, gia đình mình rất nghèo, ăn không đủ cơm. Mỗi bữa cơm là 1 phần cơm, 9 phần mì hấp phía trên, ăn mì hấp như vậy với canh chua lá giang không, chan vào rồi húp cho no, hồi đó mà có nước mắm, hay đường để ăn là mừng lắm.
Ngày đi chăn bò về, là đi ăn củ mì, củ lan... bất cứ thứ gì có thể để no, chứ không có cơm mà ăn. Lúc nhỏ, với mình ăn sáng khi đi học là không bao giờ có, sáng ở đói đi học riết hoài thành thói quen, bởi có ăn thì cũng đâu có gì mà ăn. Mình nhớ, có những lần đi học, khi về người đói rung cầm cập, người toát mồ hôi, những lúc đó là đi dạo ăn trái của cây trứng cá, cứ ăn như vậy cho đỡ đói rồi đi về nhà. Lúc nhỏ, hồi như năm đó là mình học lớp 3, mình đói đến xỉu trên đường về, may mà có mấy cô chú kia giúp đỡ, giờ cũng không nhớ mặt mấy cô chú đó nữa.
Hồi đó khi học cấp 1, có một lần mình nhớ đến bây giờ, và sẽ nhớ mãi đến sau này, trên đường đi học về, chú 4 Mãi, bạn của ba mình. Chú thấy mình tội, nên có dẫn vào quán, chú đãi cho ăn một cuốn Bánh cuốn, và theo mình đó là cuốn bánh ngon nhất của cuộc đời mình. Đi học đã đói, ăn cơm đã mừng rồi, tiền đâu mà ăn bánh cuốn tại quán, vậy mà lần đó, chú cho mình ăn, cảm xúc biết ơn khiến mình nhớ suốt đời. Cảm ơn chú " Cuốn bánh ngon nhất của cuộc đời con"
Khi lớn lên rồi, cũng có bánh cuốn ăn, nhưng đó là bánh tráng mì, do mẹ mình tự tay tráng, bánh dày lắm, không phải mỏng và ngon như ngày nay đâu, ngày xưa bánh tráng làm bằng bột mì, sáng trưa, chiều cứ hỡ khi nào đói là lấy bánh đó nướng lên ăn, hoặc nhúng nước để chấm với nước chấm ăn. Ngoài mình có tên gọi " Hai Sống Một Chín" đó là do bà con nơi đây, khi đi làm sẽ bị đói, họ thường dậy sớm để nướng bánh tráng, rồi lấy 2 bánh tráng sống nhúng nước, lấy bánh tráng nướng bỏ bên trong, bốp nát rồi cuốn lại ăn cho tiện lợi, lại mau nó. Thời đó bà con quê mình nghèo lắm, chính vì vậy tên " hai chín một sống" bắt đầu từ đó.
Bình Định người ta nói, dân củ mì là vậy, bởi toàn ăn củ mì, ăn toàn mì thay cơm để sống.
Dần dần, cuộc sống quê hương cũng khá dần lên, bánh cuốn không phải chỉ ăn để no nữa, mà ăn phải ngon, phải đủ chất dinh dưỡng, chính vì vậy nó mới hình thành nên bánh cuốn ngày này với thành phần đầy đủ chất dinh dưỡng ( thịt lụi nướng, chả ram, trứng vịt luộc, nem nướng, rau thơm...) nhắc tới là đã thèm rồi.
Nhưng có một điều lạ là, khi mình bước chân vào Sài Gòn để học, mình thèm bánh, dù có mang bánh tráng vào, nhưng cũng không thể nào làm ra được cái hương vị quê ấy, mà mỗi lần làm thì rất cực, bởi Bánh cuốn Tây Sơn muốn ngon, phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu rất công phu. Lúc bấy giờ, tìm nát cái đất Sài Gòn cũng không ai bán. Thèm thì ráng mà chịu, để khi về quê mới được ăn. Ý tưởng mang hương vị Bánh cuốn Tây Sơn ra khỏi ao làng cũng bắt đầu từ đó.
Đến cuối năm tư đại học, lúc vừa làm đồ án tốt nghiệp xong là mình bắt tay vào dự án đó ngay, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, Bánh cuốn Tây Sơn vẫn đang từng ngày lớn mạnh.
Đó là cơ duyên đưa mình đến với Bánh cuốn Tây Sơn, còn hành trình như thế nào, mình sẽ chia sẻ ở bài kế tiếp nhé.
Nguyễn Đình Chính.