Biết đến cảm giác săn bắt, chạy và bắt con mồi như một chiến binh, lúc nhỏ, tôi
Hình ảnh cánh đồng, con bò, cây lúa, cây mì đã in sâu vào tâm trí của tôi, nó chẳng phải là sự trải nghiệm hay khám khá, như cách các bạn trẻ về quê mỗi dịp hè, mà đó là những hình ảnh kham khổ, chịu đựng của những người con như tôi.
Từ nhỏ, tôi vẫn còn nhớ gia đình ông nội và gia đình tôi, chỉ có hai gia đình ở bên đây con suối, cách xa với xóm làng bên kia suối, chỉ có 2 gia đình tắt lửa tối đèn có nhau.
Khi lớn lên, tôi mới dám hỏi, tại sao mọi người đều qua bên kia ở, sao mình với ông nội vẫn ở bên đây một mình vậy má, tôi mới biết đó là do ông nọi nói, hiện ruộng đất đều ở bên đây, qua bên kia đi làm xa, nên cứ ở bên đây.
Chính vì vậy, mà lúc đầu, mấy anh chị em chúng tôi đi học rất khó khăn, đi học rất xa, mỗi khi mùa nước lớn, ba lại cõng trên vai để qua suối, chỉ một cái vấp té thôi, hai cha con đều sẽ bị cuốn theo dòng nước lũ. Nhiều lúc phải ở tạm nhà người quen bên kia xóm để đi học, vì nước lớn, phải mất cả tuần mới rút và ba lại cõng qua suối để về nhà
Gia đình ông Nội tôi làm Nông, sau này các cô chú và ba tôi cũng làm nông, ruộng đất khô khan, mỗi năm chỉ được mỗi mùa lúa, nhờ nước mua, đó là mùa tháng 10. Những mùa còn lại, đều bỏ không, vì không có nước để canh tác. Ruộng đất nơi đây rất khó khăn, cây cối cằn cỗi, trồng không có năng suất, chính vì vậy mà lúc nhỏ, mấy anh chị em chúng tôi phải ăn mì, ăn khoai,, để sống. Một nồi cơm, chỉ được 1 phần gạo, chín phần mì hấp phía trên, rồi chan canh lá giang mà húp. Mì lát, bột mì, củ mì, củ lang,,,,ăn thay cơm để sống. Tới mùa xoài thì ăn xoài, mùa mít ăn mít… ăn thay cơm, gắng sức để làm, cùng nhau vượt khó.
Tôi biết đến những chồi mía, lúc tôi còn nhỏ, ba mẹ tôi hãy bế tôi ở cạnh các chồi, để ba mẹ nấu đường. Bây giờ, bước ra ngoài đường, mua đường có đường, trồng mía lên thì bán cho nhà máy. Nhưng lúc đó, mía trồng lên, tới mùa thu hoạch thì người ta sẽ dựng lên những cái chồi tạm thời, có con bò sẽ đi lòng vào để đẩy động cơ máy ép nước mía, khi có nước mía rồi, sẽ nấu lên, đến khi đặc lại thành từng miếng đường, lúc đó sẽ đổ vô từng muỗng (như là các thùng nhựa lớn ngày nay) rồi gánh đi bán.
Cây mì thì có 2 loại, mì gòn và mì lùn, mì gòn thì trồng lên để ăn, nấu củ mì ăn, ngày nay ở đất Sài Gòn này củ mì thật có giá, tính ra lúc xưa, mình được ăn toàn đồ hiếm của ngày nay, còn mì lùn thì trồng lên, đến mùa thu hoạch thì bà con sẽ gọt vỏ, mang đi phơi cho khô, để trữ để dành. Loại nào tốt thì để nấu mì lát, mỗi khi thiếu gạo, hay năm bị thiên tai hạn hán, dùng để thay cơm. Loại nào xấu, bị mọt,, thì dùng cho heo và bò.
Chắc vì vậy, mà người ta vẫn hay gọi Bình Định chúng tôi là dân củ mì.
Lúa thì trồng mỗi được một mùa nước, là mùa mưa tháng 10, trồng lúa, canh tác thủ công như lúc bấy giờ thật quá khó khăn, đến khi lúa chín, ruộng nào gần thì gánh, ruộng nào xa thì có xe bò, lúa về nhà thì phải đập, cho từng hạt lúa rớt ra, chứ cũng chẳng có máy mà tuốt như bây giờ.
Đất thì xấu, cây mía cây mì, lúc được, lúc lại chết khô vì nắng gắt,,, dẫu làm việc chăm chỉ, cuộc sống của gia đình chúng tôi vẫn rất khó khăn.
Má kể rằng, khi xưa lúc ra sống riêng, ba với má được ông bà nội cho 2 thúng lúa để ăn, rồi từ đó, ba với má phải đi khai phá từng vùng đất hoang để làm đất canh tác và trồng trọt, chứ lúc bấy giờ, cũng chẳng có đất để làm.
Khi tôi lớn lên được chút, được đi học cấp 1, cắp sách đến trường, trường cách nhà tôi khoảng hơn 5 cây số, đi qua một con suối và 1 cái cầu ván (cầu lù chẩn) mới tới được trường, những mùa nước lũ là sợ nhất, đi về trời tối, phải đi qua cây cầu ván ấy, chỉ cần không chú ý kỹ, vấp phải tấm ván mục là tôi có thể lọt tong xuống cầu. Về đến con suối mà không thấy ba ở đó, hay có chú nào đi làm về muộn để cõng qua suối là phải chạy lên nhà chú ở ké, đến khi nước rút lại về. Nhiều lúc thấy con không về, là ba má tự hiểu con ở nhờ nhà chú, chứ cũng không thể nào mà băng qua suối để đi tìm.
Có một lần nghe máy kể lại, hồi nhỏ anh em chúng tôi hay bị sốt, sốt cao quá thì lên con co giật, ba tôi phải lội suối, nước thì ngập cả đầu, dòng nước rất xiếc , vậy mà ba vẫn đi bộ cả 5 cây số, rồi lội về để chúng tôi uống, hồi nhỏ chúng tôi lên cơn sốt, má tôi nói hay cho uống tro, lùi chanh… tôi chẳng biết đó là kinh nghiệm hay mẹo vặt, nhưng nó lại giúp anh em chúng tôi vượt qua cơn sốt và sống khỏe.
Suốt năm lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 3, tôi được trải qua cảm giác học với ánh đèn dầu, vì lúc đó nhà tôi chưa có điện, ánh đèn dầu heo hút, chắp cánh cho những ước mơ sau này.
Nhà thì khổ, đi học thì khó khăn, vậy mà cả sáu chị em chúng tôi, đều được cắp sách đến trường, được ba mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn.
Lúc nhỏ, học một buổi, còn một buổi thì làm những công việc phụ, người thì đi chăn bò, chị thì theo ba mẹ, nhỏ nữa thì đi mót củi, đứa thì đi ra ngoài đồng, mót phân bò về để bán ( tức những con bò ăn cỏ ngoài đồng, nó sẽ ị ra, và tôi đi lấy từng đống phân ấy, để bán kiếm tiền)
Tuổi thơ của tôi đầy cam khổ, tuy không phải đó là thời chiến tranh, súng đạn, nhưng tôi cũng biết đến cảm giác đứng giữa trời mưa, rét buốc đê chăn vịt, biết đến cái nắng như cháy da để làm rẫy, chăn bò, biết đến cái đói xỉu khi không có đồ ăn, biết đến cái thiếu thốn cuộc sống của một con người.
Biết đến cảm giác săn bắt, chạy và bắt con mồi như một chiến binh, lúc nhỏ, tôi thường theo chú 6, em trai của ba tôi đi săn những con thú rừng, chú huấn luyện được một đàn chó săn, cứ đến mỗi trưa, là chú cầm tay lưới và dẫn đàn cho đi vào rẫy, vào rừng để săn bắt, những cuộc đi săn đều mang về những chiến lợi phẩm, có khi là chồn, là thỏ, có khi có cả nhím và tê tê,,, Những chú chó sẽ được chỉ định và 1 khu vực nào đó, chúng tôi sẽ chia ra mỗi khu để la hét, chú chó thì bắt đầu chạy và ngửi con mồi, đến khi phát hiện sẽ sủa lên, những con khác và chúng tôi bắt đầu tập trung theo con mồi, dụ chúng sa vào lưới, nếu chạy vào hang thì chúng tôi sẽ đào và bắt chúng.
Tôi cũng biết cách đặt bẫy để bắt gà rừng, chim, cò,,, khi lớn lên tôi cũng biết cách đặt bẫy bắt heo rừng, nai, hay mang những con thú rừng có lúc bấy giờ.
Chắc những việc này lúc nhỏ, đã giúp tôi luyện cho mình những kỹ năng sinh tồn.